Đầu tiên là một nhân viên kho bạc nhà nước liên tiếp tát vào mặt vợ còn người vợ thì chỉ biết co mình che chắn cho con. Người chồng vốn được đồng nghiệp đánh giá tính tình cởi mở ôn hòa. Tiếp theo đó là một võ sư dùng đủ “ngón đòn” của một thầy dạy võ đánh vợ như thể muốn hạ gục đối thủ một cách nhanh chóng trên sàn đấu.
Một ông thầy dạy võ, hẳn là anh luôn phải nhắc nhở học trò của mình: “Học võ là học Đạo”, học võ là để tự vệ, để giúp người yếu thế khi cần chứ không phải để đánh người hại người, chắc chắn càng không phải để đánh người thân những khi bực tức.
Một số người cho rằng, không có ai tự nhiên đánh vợ, vợ phải thế nào thì mới bị đánh chứ. Có nhiều bà vợ cũng lắm lời quá đáng lắm, nhiều khi còn dại dột khiêu khích cơn nóng giận của chồng. Nhưng ở chiều hướng ngược lại, phần lớn đều cảm thấy đó là hành động khó mà chấp nhận. Chồng đánh vợ dù là vì bất cứ lý do gì đều không nên, huống hồ vợ mình còn vừa mới sinh, ôm đứa con nhỏ trên tay không cách gì chống đỡ.
Thôi thì, vợ chồng cũng có khi nọ khi kia, cũng nhiều lúc cơm không lành canh không ngọt. Ai đúng ai sai thế nào, chỉ người trong cuộc là rõ nhất bởi “trong chăn mới biết chăn có rận”. Vậy cho nên tôi không muốn nói nhiều về điều đó nữa. Tôi chỉ muốn nói về những đứa trẻ. Những đứa trẻ phải chứng kiến bố đánh mẹ, tâm lý non nớt co cụm sợ hãi bởi bạo lực diễn ra ngay chính trong gia đình mình.
Hồi nhỏ, tôi có một cô bạn học cùng ở quê. Cha bạn nghiện rượu vì bất đắc chí không có con trai. Mỗi lần say về đều lèm bèm chửi rủa rồi đánh vợ. Mẹ bạn, mỗi lần thấy chồng đi uống rượu về cửa trước là luồn cửa sau chạy khỏi nhà. Đôi bận không chạy kịp bị chồng túm tóc đánh chửi. Những lúc như thế, chị lớn chạy vào níu tay cha can ngăn, còn bạn và đứa em nhỏ chỉ biết nép vào góc nhà khóc trong sợ hãi.
Một lần, tôi sang rủ bạn đi học, thấy bạn đang ngồi khóc ở góc thềm. Bạn nói trong tiếng nấc: “Giá mà ông ấy có thể chết đi thì tốt biết mấy”. Lúc đó, tôi không hiểu hết nỗi đau của bạn, chỉ nghĩ, dù gì đó cũng là bố của bạn, sao bạn có thể nói ra những điều như thế.
Bố tôi công tác xa nhà, năm mới về một hai lần, đôi khi về nhà, vì vài chuyện mâu thuẫn bất đồng có cãi nhau với mẹ. Những khi bố mẹ to tiếng với nhau tôi rất sợ, và những lần như thế tôi ước bố về nhà ít thôi, để bố mẹ đừng cãi nhau, để mẹ đừng khóc. Sau này lớn lên, có gia đình, tôi mới biết được rằng gia đình nào cũng có những mâu thuẫn lớn nhỏ khác nhau và cặp vợ chồng nào cũng có đôi lần tiếng nhỏ tiếng to trong bực bội. Nhưng trẻ con nào đâu hiểu được những điều ấy, chỉ thấy buồn, thấy sợ, thấy không êm ấm, bình yên. Nỗi sợ cứ níu ở trong tim, mỗi ngày trôi qua đều mong nó đừng tái diễn.
Khi tôi xem hai clip về những ông chồng đánh vợ đã nói ở trên, cả hai clip đều có sự hiện diện những đứa trẻ ở đó.
Những bài học về tôn trọng, về yêu thương phải bắt đầu từ trong chính nhà mình, trong chính gia đình mình và những người mình yêu thương bồi đắp truyền tải. Một cây con sống trong môi trường bão táp, có lẽ nào không bị vùi dập tả tơi, đặt biệt là về tâm lý. Và ai dám chắc chúng sẽ lớn lên thành người tử tế khi mà việc chứng kiến bạo lực đã trở thành một thói quen.
Con gái tôi mới sáu tuổi, và con rất thích nhìn thấy bố mẹ thể hiện tình cảm với nhau. Vài lần bố giả vờ đánh mẹ con đều phản ứng dữ dội, hoặc là giận bố, hoặc là lao vào ôm mẹ khóc. Có lần nó cầm tay bố đặt lên tay mẹ rồi nói “bố cầm tay mẹ đi. Bố thơm mẹ đi”. Khi nghe bố nói “xấu hổ lắm” thì con cong môi lên bảo “Có gì mà xấu hổ. Họ thơm nhau trên phim, đầy người nhìn thấy có sao đâu”.
Sự mềm mại của con khiến vợ chồng tôi mỗi lần tranh cãi điều gì cũng cố hết sức nhẹ giọng. Đôi khi chỉ là chuyện nhỏ, mình cãi nhau xong rồi quên đấy, nhưng nó sẽ như vết hằn trong con như chính mình của những ngày thơ bé.
Là tôi nghĩ, không có đứa trẻ nào lại không muốn nhìn thấy người mình yêu thương vui vẻ hạnh phúc. Không có đứa trẻ nào lại không cảm thấy sợ hãi khi bố mẹ mình đánh chửi nhau. Những đứa trẻ với trái tim non nớt nhạy cảm và rất dễ tổn thương. Đừng tưởng trẻ nhỏ không biết gì. Những gì diễn ra trong tâm tư các con, những bậc cha mẹ chúng ta sẽ không bao giờ hiểu hết.
Lê Giang